Đại Hồng Chung
Tên của tôi là "Chung" (鐘), tôi luôn được treo cao trên một góc bên trong đại điện thanh tịnh của các ngôi tự viện từ xưa đến nay.
Vài ngày trước, có một Sư phụ cầm tập san "USA Today" (今日美國畫刊) đứng đọc bên cạnh tôi, đúng lúc phía trên cũng có một cái chuông lớn, tôi trông thấy rất hân hoan thích thú. Bởi vì trong mỗi ngôi tự viện chỉ có một cái chuông, cho nên tôi đã sống qua những ngày cô đơn tĩnh mịch, một khi bạn tôi xuất hiện trước mắt tôi, làm sao mà không hạnh phúc chứ? Vì thế, tôi nhìn nó rất thân thiết, úi chà! Hóa ra nó còn là "một cái chuông tự do" của Hoa Kỳ đấy ạ!
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, là ngày mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đạt được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập, cái chuông lớn này đã từng dùng âm thanh vang vọng để "phát đi Tuyên ngôn Độc lập Tự do bất hủ cho thế giới và nhân dân". Sau đó, vào năm 1835, nó đã bị đánh nứt trong tang lễ của Viện trưởng Mã Hy Nhĩ (馬希爾), Pháp viện Tối cao đầu tiên của Hoa Kỳ, nó vẫn mang vết sẹo vinh quang này cho đến ngày nay, và được treo ở tầng dưới trong Hội trường Độc lập Philadelphia, để mọi người chiêm ngưỡng. Chúng tôi đều là cái chuông tự do, không ngờ đối với thân thế của mình cũng phát sinh niềm cảm khái vô hạn!
Tôi là "Đại Chung" trong những ngôi chùa Phật giáo thanh tịnh, tôi cùng với các huynh đệ kiền chùy (1) khác không giống nhau, thân thể của tôi rất to lớn, không thể di chuyển một cách tùy tiện, nhưng không gì có thể làm chướng ngại âm thanh của tôi. Tôi có thể vượt qua rèm cửa, mái nhà, những ngọn đồi, bay bổng trong hư không tự do, cho nên mọi người đã khen tôi là "biểu tượng của tự do". Bình thường, tôi không dễ dàng lãng phí giọng nói của mình. Buổi tối hoặc giữa đêm khuya, lúc ai nấy yên tĩnh mới có người đến gõ tôi; buổi sáng trước bình minh, từ xưa đến nay tôi chưa làm lỡ việc. Âm thanh của tôi hoàn toàn được truyền ra ngoài khi trời tối, mỗi lần tôi ngân vang, sẽ có vô số người được nghỉ ngơi gọi là "Khai đại tĩnh" (2); Khi vầng kim ô sắp xuất hiện, tôi lại đánh thức mọi người chờ đợi bình minh. Tôi là "đài phát tín hiệu" ngủ và thức trong tự viện, đôi khi vào ban ngày, nếu có những việc quan trọng để tập hợp đại chúng, mọi người cũng phải nghe thông báo của tôi. Trách nhiệm của tôi vinh quang và trọng đại biết là bao!
Tôi có một người bạn thân duy nhất và tốt nhất là Đồng tham lão Đầu Đà (3), mỗi ngày sáng hay tối ông đều gõ tôi, miệng xướng to lên bài Chung Thinh Kệ (4). Âm thanh của tôi vang dội, mỗi một câu kệ tiếp theo là gióng một tiếng. Giọng ngâm của ông, nghe uyển chuyển mà nhẹ nhàng, bi thương nhưng hùng tráng. Trong âm thanh của ông và tôi mọi người nghe đến đều ngây ngất say sưa, tự nhiên sẽ gọi bạn buông tất cả các ý niệm ham muốn vật chất của trần tục, khiến cho thân bạn dường như đang ở trong một cảnh giới ung dung thư thái. Kệ mà lão Đầu Đà xướng ngâm:
Tiếng chuông vừa gióng lên
Hô vang bài kệ báu
Trên thông cả Thiên đường
Dưới suốt đến Địa phủ
Can qua chấm dứt, ngựa thôi chiến chinh; thắng bại mất còn, đều sanh Tịnh Độ.
Trong ba cõi bốn loài, đều tránh khỏi luân hồi; trong mười loài chín cõi, đều xa lìa biển khổ… (5)
Từ trong tiếng kệ ngân vang của ông, chúng ta biết lòng bi mẫn của lão Đầu đà thật rộng lớn biết dường nào! Ngoài lão Đầu Đà là bạn tốt của tôi, còn rất nhiều nhà thơ cũng thường hay ca tụng tôi. Như Trương Kế (張繼 khoảng 715-779) - Thi nhân thời nhà Đường có một bài thơ nổi tiếng:
phiên âm:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền
Chánh văn:
月落烏啼霜滿天
江楓漁火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Nghĩa:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Nguyễn Hàm Ninh dịch)
Đúng vậy, âm thanh của tôi luôn rót vào tai mọi người vào mỗi nửa đêm, dù họ cách xa tôi hàng cây số cũng đều nghe được, đặc biệt là những người phiêu bạc ly hương, tôi càng có thể làm xúc động trái tim trống rỗng của họ trên con đường lữ hành. Âm thanh của tôi sẽ tăng gấp bội khiến cho họ cảm nhận được cuộc đời nóng lạnh đổi thay của nhân tình thế thái, và cuộc thăng trầm xưa nay. Nhưng tôi cũng sẽ dùng giai điệu ngân vang, để đánh thức những lữ khách đang sống mơ chết mộng trong huyễn ảo tươi đẹp; để khích lệ nhiều thanh niên, dạy cho họ quên đi sự rong ruổi lao nhọc vất vả, quên đi cái khắc bạc vô tình của người đời, lại lần nữa khơi dậy sức sống của thanh xuân, cổ vũ lại lòng can đảm của tuổi trẻ để đi đến cuối chân trời gian nguy hiểm trở,
tiếp tục hướng về phía trước!
Bạn không tin điều đó sao? Có vị sư phụ nào đã từng tu hành trong tự viện mà tôi không đánh thức họ từ trong giấc mơ đẹp, gọi họ nhanh chóng thức tỉnh tu hành để thoát khỏi biển khổ của sinh tử? Dân chúng quanh chùa không phải một khi nghe thấy âm thanh ngân vang của tôi, họ liền thức giấc và tranh thủ lo cho cuộc hành trình trong đời sống của họ? Khi âm thanh của tôi bay ra từ cửa sổ, cho dù núi cao, đồng nội, ruộng vườn, thành thị, làng mạc, thôn trang đều nghe được Đại chung tôi - âm thanh vang vọng sẽ len lỏi vào những nơi đó để cảnh báo họ, ngăn cản họ, thức tỉnh họ, để họ đừng băn khoăn do dự chần chừ, vĩnh viễn phải lắng nghe âm thanh của tôi, để đề cao cảnh giác khi đang chơi vơi trong bóng tối mênh mang!
Tôi nhớ một lần, có vị khách hiền lành đến chùa tham bái, khi đi ngang qua tôi, ông nói với tôi: "Chuông ạ! Tôi thích nghe âm thanh trầm hùng ngân dài du dương của bạn lắm, mỗi lần nghe tiếng bạn vang lên, giống như lời kêu gọi quen thuộc. Âm thanh của bạn dường như vọng về từ cõi Phật, nhưng tại sao bạn không thử đánh thức những con người mê muội đang say mê chốn phồn hoa xa xỉ trong xã hội"?
Tôi còn nhớ có lần khác, một sư phụ trẻ tuổi đi ngang qua tôi, mang tâm tình không thể cáo tố với ai, nói cùng tôi: "Chuông ơi! Trước sau tôi luôn có một sự cảm mến không cách nào diễn tả với bạn, bởi vì giai điệu của bạn thay cho nốt nhạc từ từ hòa hoản, không biết đã thức tỉnh bao nhiêu đám người đần độn, luôn theo đuổi nhu cầu của "cuộc sống". Nhưng, Phật giáo suy thoái như vậy, tín đồ Phật giáo dường như đều ngủ mê mệt trong giấc mộng mơ hồ, tại sao bạn không thức tỉnh họ một chút? Bạn hãy kêu gọi họ hướng về con đường thênh thang của Phật giáo mới phục hưng mà tiến bước"!
Không biết có bao nhiêu người đã cầu nguyện bên cạnh tôi, và không biết có bao nhiêu người bồi hồi trong tiếng ngân nga của tôi, mọi người đều hy vọng âm thanh của tôi to hơn, vang dội hơn và cao vút tận mây xanh - không, phải vang thật to để xuyên qua màng nhĩ của những người đang sống say chết mộng!
Tôi không muốn im lặng, tôi phải vang to vĩnh viễn, nhưng có lúc Đại Chung tôi cũng bị người khác lợi dụng. Còn nhớ lần nọ, có một người nhà giàu đến chùa du ngoạn, lúc ông ta bước vào, Hòa Thượng trụ trì (6) dạy Lão Đầu Đà gõ tôi, dùng âm thanh của tôi để đại diện thay cho sư trụ trì đón tiếp và tiễn chân ông nhà giàu có tiền này. Lúc tiếng boong boong của tôi vang lên, một sư phụ được gọi là "Tân tăng" (7) nghe thấy liền đi đến, nét mặt lạnh như tiền hậm hực nói với tôi: "Ngươi là cái chuông đua đòi quyền thế lợi lộc! Ngươi đã quên đi nhiệm vụ vinh quang của mình rồi ư, ngươi đã bỏ qua trách nhiệm vĩ đại của mình rồi ư! Nhiệm vụ của ngươi là đánh thức mọi người đang si mê lầm lạc, trách nhiệm của ngươi là kêu gọi, đánh thức những người xuất gia đang ngủ say trong giấc mộng, ai kêu ngươi nịnh nọt tâng bốc những người có tiền? Chuông ơi! Chuông quyền thế lợi lộc ơi! Ngươi đã quên đi sự thanh cao của ngươi rồi đấy"!
Lời của vị "Tân tăng" đó thật không sai chút nào, tôi có một công tác, một nhiệm vụ thiêng liêng và thuần khiết, đáng lẽ tôi phải hy vọng các Sư trụ trì trong cuộc tranh quyền đoạt lợi đừng để tôi tham gia. Tôi muốn dùng âm thanh của tôi khiến người dũng cảm khi lắng nghe càng thêm dũng cảm, khiến người ý chí sa sút khi lắng nghe không còn sa sút nữa mới đúng.
"Boong! Boong! Boong! Boong!"
Hãy lắng nghe nhé! Giọng của tôi vang lên rồi! Tôi sẽ dùng âm thanh rỗng rang để ca hát:
Tôi là một cái chuông lớn, vĩnh viễn được treo cao trong các ngôi tự viện Phật giáo.
Tôi phải dùng âm thanh vang dội, để thức tỉnh chúng sanh trong cõi trần mê muội.
Khiến cho mọi người vì mình, cũng như vì những người khác.
Hãy dựng lên ngọn cờ hưng thạnh của Phật giáo, để tự do tung bay trong hư không!
Phần bổ sung:
Đại Chung trong tự viện được xem như là một pháp khí để gõ đánh báo giờ và tập hợp chúng tăng. Ngoại trừ những cái chuông bằng gốm sứ cổ nhất, còn tất cả đều được làm bằng chất liệu đồng và sắt, mô hình đúc giống như chiếc cốc đảo ngược. Mặt chuông chạm khắc hoa văn đơn giản, miệng chuông tròn mà phẳng, phía trên có gắn núm treo, được đặt trong lầu chuông.
Chuông là lễ nghi, là nhạc cụ tại Trung Quốc, do đó, nó vẫn được sử dụng trong các tự viện Phật giáo. Trong pháp hội hoặc các pháp sự như lễ Tổ, Đại Cúng (mồng một, rằm, các ngày lễ vía chư Phật, Bồ Tát)… hàng tháng trước Đức Phật, cũng sử dụng chuông làm nhạc khí để phối hợp âm thanh xướng tụng của tăng chúng thanh tịnh, cúng dường chư Thánh hiền và hộ trì đại chúng tham dự, thể hiện trang nghiêm, long trọng của Phật sự, Pháp sự. Đồng thời, nếu có Chư Sơn Trưởng Lão hoặc những người có địa vị, các chức sắc khi đến tham quan đạo tràng, cũng dùng nghi thức gõ Đại Chung, xem như nghi lễ nghinh tiếp long trọng.
Mục đích của việc gióng chuông trong Phật môn, là để nhắc nhở người tu hành, cần phải dùng kích chùy (擊槌) để họ dụng công tinh tấn, phá trừ phiền não từ vô thỉ đến nay. Cũng nên đem tâm nguyện từ bi thâm thiết, làm cho nguyện lực và tiếng chuông du dương trầm ổn, trên thấu thiên đường, dưới thông địa phủ, khiến cho tất cả chúng sinh nghe đến tiếng chuông, có thể khơi dậy ánh sáng trí tuệ của tự tánh và được sự an định trong tâm linh.
Ghi chú:
(1) Kiền Chùy (犍椎): Dịch từ tiếng Phạn, nghĩa là Thinh Minh, là Pháp khí được người xuất gia đánh lên khi tụng kinh, hoặc để làm tín hiệu như mõ, chuông, khánh, bảng… Trong Đại Đường Tây Vức Ký của Ngài Huyền Trang đời Đường: Mây đen (trong lòng) vừa khởi, gấp đánh kiền chùy, tôi nghe tiếng nó, tâm xấu dừng ngay (黑云若起,急击犍椎,我闻其声,恶心当息)… Trong Thích Thị Yếu Lãm của ngài Đạo Thành đời Tống: Một khi khởi động chuông khánh, thạch bản, mộc bản, mộc ngư, châm chùy, tăng chúng nghe thấy đều phải tập chúng.
(2) Khai đại tĩnh (開大靜): Trong tự viện, hàng ngày vào ban đêm, gióng chuông đánh trống, là hiệu lịnh ngủ nghỉ, thông thường gọi là Khai Đại Tĩnh hoặc Khai Đại Cấm.
(3) Đồng tham lão đầu đà (同參老頭陀): Đồng tham nghĩa là đồng học; Lão đầu đà chỉ cho vị Tăng khổ hạnh tuổi cao. Đầu đà là một trong những loại khổ hạnh, trừ bỏ các loại trần cấu, trừ bỏ các loại tham trước về y phục, thực phẩm, nhà ở, vv, để tu luyện thân tâm. Còn được gọi là Đầu đà hạnh, Đầu đà sự, Đầu đà công đức.
(4, 5) Chung thinh kệ (鐘聲偈) Kệ là một loại ca từ đẹp. Chung thinh kệ là người đã xướng lên khi gióng chuông: "Hồng chung sơ khấu, bảo kệ cao ngâm; Thượng triệt Thiên đường, hạ thông Địa phủ. Can qua vĩnh tức, giáp mã hưu chinh; Trận bại thương vong, câu sanh Tịnh độ. Tam giới tứ sanh chi nội, các miễn luân hồi; cửu u thập loại chi trung, tất ly khổ hải".
(洪鐘初叩,寶偈高吟;
上徹天堂,下通地府。
干戈永息,甲馬休征;
陣敗傷亡,俱生淨土。
三界四生之內,各免輪迴;
九幽十類之中,悉離苦海) 。
(6) Hòa Thượng trụ trì (住持和尚): vị Tăng quản lý tự viện có địa vị cao nhất, chấp chưởng việc tu trì (giáo dục), tự vụ (hành chánh), giới luật và thanh quy (pháp luật), hoằng pháp (tuyên truyền giáo nghĩa Phật giáo), và các vấn đề kinh tế tài chính trong tự viện, tương đương với người đứng đầu chính phủ và lãnh tụ xã hội.
(7) Tân Tăng (新僧): Tập san Phật giáo, được thành lập vào tháng 9 năm 1925, do Thái Hư Đại Sư khởi xướng chủ trương cải cách Phật giáo Trung Quốc. Mục đích của tập san là lấy hoằng dương Phật pháp, chỉnh lý Tăng đoàn, liên lạc với tăng chúng khi xuất viện quan sát lẫn nhau làm Tông chỉ. Nội dung của tập san được chia thành tranh minh họa, diễn đàn, học thuật, diễn giảng, văn học, truyền thông và các tạp văn hợp tuyển.
Nguyên tác: Đại sư Tinh Vân (星雲法師著)
Thanh Như dịch