Hotline: 083 7827727- 083 7829553
hinh 1 hinh 2 4 hinh 8 hinh 9 hinh 10

Văn hóa Phật giáo

Ẩm thực phật giao Văn hóa tính ngưỡng

Từ phụ

Thứ Năm, Ngày 28 Tháng 9, 2017, 11:17

 Trong khi tìm hiểu về công đức tán thán Phật, tới câu “Tứ sanh chi Từ phụ” tôi bỗng nhiên xúc động lạ.

Tại sao Đức Phật được gọi là Từ phụ, là người cha lành của chúng sanh? Và tôi bỗng thấy rằng tất cả những lời kinh không còn là những bài giáo lý khô khan nữa, mà là những lời giáo huấn chân tình, thiết tha, xuất phát từ tình thương của người Cha hiền đối với con cái. Và tôi đã cảm khái thành bài thơ như sau:

Cũng có khi đêm dài bên trang sách

Cùng ngọn đèn suy ngẫm nghĩa chân kinh

Nghe giấy mực nhạt nhòa như thấm lệ

Kinh sách này hay nước mắt nhân sinh?

 

Đúng như vậy. Kinh sách hay những lời dạy của Đức Phật không phải tự nhiên mà có, nó lưu xuất từ tâm từ bi của Ngài khi nhìn thấy chúng sanh đau khổ. Nói cách khác, chính những giọt nước mắt giàn giụa của chúng sanh mà những lời kinh Phật được thốt ra.

Nói như vậy, có người sẽ tranh biện rằng “cuộc đời này đâu phải hoàn toàn khổ, đâu phải ai cũng khổ”. Thật ra có một vị thầy giáo đã nói với chúng tôi như vậy. Ông nói rằng ông không đồng ý chủ trương khổ trong Phật giáo. Ví dụ như ông làm nghề dạy học, có gì đâu mà khổ? Nhưng sự thật có phải đúng như ông nghĩ hay không? Ông làm nghề giáo nhưng có chăn nuôi không, có sát sanh không, có ăn mặn không, có nhiều điều chẳng vừa ý trong cuộc sống không, ví dụ vậy? Nếu có thì ông sẽ khổ, vì ông đang tạo nghiệp. Có thể hiện tại ông không thấy gì là khổ, nhưng một khi nghiệp đến, như bệnh tật, tai nạn, chết yểu… thì có khổ không? Đây chính là cái vô minh của chúng sanh. Chỉ thấy bề mặt của vấn đề trước mắt mà không thấy chiều sâu bên trong và ảnh hưởng sâu xa của vấn đề. Cũng giống như một người hút thuốc. Trong khi đang hút thuốc, anh ta đâu có thấy khổ, chỉ thấy sướng mà thôi. Các nhà khoa học hay bác sĩ chỉ ra cái tai hại của hút thuốc đối với cơ thể nên khuyên anh ta bỏ thuốc. Đức Phật cũng giống như các nhà khoa học hay bác sĩ vậy. Ngài thấy được nguyên nhân và kết quả của vấn đề nên dạy chúng sanh cách làm sao để tránh khổ đau ở hiện tại hoặc tương lai. Trong Quy Sơn cảnh sách, Tổ Quy Sơn cũng có chỉ ra cái mê muội của chúng sanh rằng “bất tri lạc thị khổ nhân”, không biết cái vui đó là nguyên nhân của đau khổ vậy.

Đó là chưa kể cái khổ do vô thường, vô ngã của các pháp. Nghĩa là khi cái vui không còn thì người ta cảm thấy bị mất mát, nên rơi vào đau khổ. Ái biệt ly khổ. Trong kinh Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan rằng “các pháp là thường hay vô thường?”. A-nan trả lời là “vô thường, bạch Thế Tôn”. Phật hỏi “cái gì vô thường là khổ hay vui?”. A-nan trả lời “cái gì vô thường là khổ”. Hiện tại chúng ta chỉ thấy vui là vì chúng ta đang khỏe mạnh, công việc tốt; nhưng có ai đảm bảo những thứ này không thay đổi? Chúng ta (hoặc người thân của chúng ta) có thể bị bệnh tật, bị sa thải, bị lừa gạt. Lúc đó chúng ta sẽ thấy đời không còn là vui nữa.

Hơn nữa, khái niệm khổ trong Phật pháp rất sâu sắc, không phải chỉ là cái khổ thông thường ai cũng thấy. Trong Phật pháp, phiền não chính là khổ. Chúng ta đang hưởng thụ một bữa ăn ngon, đang vui sướng với chiếc xe mới mua, đang hạnh phúc bên người chồng hay vợ đẹp, hoặc những cái vui của giác quan khác, theo Phật pháp, những cái mà người đời cho là vui đó, thực chất là khổ, là phiền não. Cái vui đó, Đức Phật cho rằng là cái vui bệnh hoạn, chứ không phải là cái vui lành mạnh, chân thật. Cũng như một người bị bệnh lác, bệnh cùi bị ngứa, họ đến gần lửa để hơ và gãi. Trong khi hơ và gãi như vậy, họ cảm thấy rất sướng, đã ngứa. Nhưng những người lành mạnh có thích cái sướng đó không? Cũng vậy đó, cái vui trong dục lạc của chúng sanh là cái vui của người bệnh. Chỉ có cái vui của Niết-bàn, cái vui không còn phiền não mới là cái an lạc hoàn toàn thanh tịnh. Và Đức Phật là người nhận ra được những vấn đề như vậy nên chỉ dạy chúng ta làm sao đạt được cái vui thanh tịnh và thường hằng.

Trở lại vấn đề vì sao Đức Phật được gọi là người Cha lành. Ta thấy rằng ngay cái động cơ đi tu của Ngài cũng đã chứa đựng trong đó tình thương vô bờ đối với chúng sanh rồi. Sự suy tư về vấn đề sanh tử cũng như sự ra đi tìm đường giải thoát của của Thái tử Tất-đạt-đa giống như hình ảnh người cha bỏ làng xóm nghèo đi tha phương cầu thực kiếm tiền nuôi đàn con nheo nhóc. Trong suốt 49 năm kể từ ngày thành đạo, Đức Phật đã dạy những gì? Đầu tiên Ngài dạy Tứ đế: Con ơi, cuộc đời này khổ lắm. Được cũng khổ mà mất cũng khổ. Cho nên con đừng có đặt nặng vấn đề gì hết. Con không nên lười biếng, hưởng thụ xa hoa, nhưng cũng không nên quá khắc kỷ bản thân. Cứ lo chí thú làm ăn, làm ăn một cách chơn chánh, đừng có phạm pháp là được rồi.

Đức Phật nói rằng: “Nước mắt chúng sanh khóc nhau khi sanh ly tử biệt còn nhiều hơn là nước trong bốn biển”. Nước mắt đó không phải của ai khác, mà chính là của những đứa con khờ dại của Ngài. Chúng không hiểu biết, không thấy cuộc đời này là vô thường, vô ngã và bất tịnh, cho nên chúng dính mắc, không rời xa được, như người  nghiện ma túy. Đôi khi những đứa con khờ dại ấy cũng thức tỉnh, biết ăn năn nhưng rồi đâu lại vào đó. Khi buồn khổ thì chạy về kiếm cha khóc lóc, nhưng khi gặp cuộc vui rồi thì lại chạy theo cuộc vui, như người cai nghiện lại tái nghiện. Ấy thế mà Đức Phật đâu có bỏ ai. Có được những người con giỏi như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đức Phật rất vui; nhưng những đứa chậm lụt như Châu-lợi-bàn-đặc, Ngài cũng tận tình dạy bảo cho nên người. Ngài hài lòng với những đứa con ngoan như Tôn giả A-nan, nhưng những đứa bị cuộc đời lôi kéo đến nỗi sa chân lỡ bước như Vô Não, Ngài cũng đích thân đi tìm, dụ về và cho nó cuộc sống đàng hoàng, tử tế. Nếu không có một tình thương của một người cha thì Ngài có thể làm những việc đó không! Chúng ta nhớ rằng, cách dạy học trò của Khổng Tử là: “Vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc khác thì không dạy nữa… Kẻ nào không cố công tìm kiếm, ta chẳng chỉ vẽ. Kẻ nào không bộc lộ tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho. Kẻ nào ta dạy mà không biết hay, ta chẳng dạy”. Cho thấy rằng cách dạy của Khổng Tử là thầy dạy trò, còn Đức Phật là cha dạy con.

Đức Phật sợ chúng ta do không biết mà sa hầm rớt hố trong ba đường ác cho nên đã chế ra giới luật. Ngài dạy rằng ít nhất các con phải làm theo năm điều này (ngũ giới) để đảm bảo các con không bị sa vào địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh. Bởi vì vào đó khổ lắm! Ta chỉ đưa ra một ví dụ thôi cho các con hiểu nó khổ như thế nào. Ví dụ ở đây giết người còn có pháp luật can thiệp, chứ còn ở cõi súc sanh, chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau, mạnh được yếu thua, đâu có ai can thiệp được. Trước đây Ta cũng do không biết mà đi lạc vào con đường đó, các con đừng có theo vết xe đổ của Ta.

Và lời dạy cuối cùng của Đức Phật là gì? Ngài nói với thị giả A-nan: “Như Lai đã già yếu, đã cuối cuộc đời, tám mươi tuổi rồi. Như Lai chỉ còn một điều duy nhất muốn nói với tất cả. Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình! Hãy nương tựa nơi chính mình! Đừng tìm cầu một ánh sáng hay chỗ nương tựa nào khác. Khi Như Lai đã đi rồi, này A-nan, bất cứ ai biết tự mình là ánh sáng, là nơi nương tựa của mình, không tìm cầu nơi khác; bất cứ ai biết lấy Chánh pháp làm ngọn đèn soi, làm nơi nương tựa, người đệ tử ấy, bây giờ và mãi mãi, mới là người đệ tử thật sự của Như Lai, không bao giờ lầm đường lạc lối”. Đây là lời căn dặn của người Cha hiền trước phút lâm chung. Thật là chân tình và cảm động không gì bằng!

Trong nhiều kinh, ta thấy Đức Phật cũng thường được ví như đấng Cha lành, như ông trưởng giả, cha của gã cùng tử trong kinh Pháp hoa. Lại nói, Phật thương chúng sanh như cha mẹ thương con. Ngay cách xưng hô giữa thầy và trò cũng rất phù hợp với tinh thần này. Trò gọi thầy là sư phụ, thầy gọi trò là đệ tử. Nghĩa là ngoài vai trò là thầy-trò, còn có mối quan hệ cha-con. Hiểu được điều này, chúng ta thấy quan hệ thầy trò trong đạo pháp thật là thiêng liêng vậy.

                                                                                 Thích Trung Hữu

                                                              (theo nguồn tin giacngo online)